Lấy bối cảnh là thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba, Phùng Vương là tiểu thuyết lịch sử được ra mắt đầu tiên, nhưng đã định hình rõ phong cách của Phùng Văn Khai, cùng với một nỗ lực nhằm góp lý giải và lấp đầy khoảng trống tư liệu trong lịch sử. Lịch sử là xương sống, là khung để nhà văn triển khai tự sự bằng ngôi kể thứ ba bao quát mọi không gian và thời gian. Một mặt, tác giả tô đậm các nhân vật lịch sử như Phùng Hạp Khanh, Phùng Hưng, Phùng Hải, Bồ Phá Giang, Vũ Khánh, Phan Đường, Đỗ Anh Doãn, Đỗ Anh Hàn, Phạm Cương, Đỗ Lăng… mặt khác, lại dựa trên những suy đoán mang tính chất tư biện nhìn từ phía ngoài để biện giải động cơ hành động của họ. Đối với các sự kiện lịch sử, tác giả chủ yếu tái hiện lịch sử từ góc độ khách quan, rồi mượn điểm nhìn của các nhân vật để đưa ra nhận định. Cách kể chuyện ngôi thứ ba truyền thống này, tuy phù hợp với những tiểu thuyết có thời lượng và bối cảnh lớn, đa dạng nhiều nhân vật, trao sự chủ động hư cấu cho tác giả, nhưng đôi khi lại tạo ra sự kiểm soát chủ quan, bỏ mất vận động nội tâm và tiến triển tâm lý của nhân vật.