Phan Du không chỉ là cây bút truyện ngắn nổi danh ở các đô thị miền Nam trước năm 1975, mà còn là nhà biên khảo lịch sử thông qua cảm quan của một nhà văn, được bạn đọc một thời yêu thích. Khi kể về con đường đến với văn chương, ông từng cho rằng, từ “trước năm 1941, tôi đã có mấy truyện ngắn đăng trên báo Thời vụ xuất bản tại Hà Nội” nhưng phải đến truyện ngắn Bữa cơm chay (Tiểu thuyết thứ Bảy, 1942), “khi ấy tôi mới được giới văn nghệ chú ý”, và Bữa cơm chay được coi là truyện ngắn đầu tay của nhà văn. Đó là truyện ngắn viết về thói giả dối, lối sống đạo đức giả của các mệnh phụ phu nhân ở Huế trước Cách mạng tháng Tám 1945, hạng người “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”.