Người thứ hai là cuốn tiểu thuyết của Tô Hải Vân – một nhà chuyên môn trong ngành khoa học, một tiến sĩ kinh tế – viết về phẩm cách của người làm khoa học. Nửa như câu chuyện trên chuyến hành trình siêu thực về tìm chỗ đứng trên chuyến tàu cuộc đời, nửa như câu chuyện rất chân thực ở mọi cơ quan đoàn thể quen thuộc của xứ ta. Hư ảo đến kỳ dị mà chân thực đến lạnh lưng. Một nhà khoa học trẻ – hay bất kỳ một ai làm nghề gì đó – đều có khát vọng được ngồi đúng chỗ, được làm đúng nghề mình đã học hành, được sống đúng với con người mình. Thế rồi, trên một chuyến tàu chạy rầm rập anh ta cứ bị đẩy văng ra. Hoang mang tràn ngập, con người này quyết tâm tìm cái chỗ ngồi. Và trong cái viện khoa học nơi một anh nào đó làm việc, người ta đang sống lối sống vô trách nhiệm, rỗng tuếch, đầy ắp thói hư tật xấu của hôm nay, nhà khoa học trẻ kia – hay cũng là con người tìm chỗ trên tàu -đang bị mài mòn, bị cuốn vào lối sống được chăng hay chớ, kiểu thế nào cũng xong. Cho nó hết một ngày. Cho nó cứ thế hết một đời. Mà chẳng ai băn khoăn. Chẳng ai tiếc. Trừ nhân vật chính.